-->
Niềm tin của Thiên Chúa
16/05/2013
Kỷ niệm 148 năm thành lập dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời 24/05/2013
23/05/2013
Show all

Truyền thống Đông Phương – lá phổi thứ hai của Giáo hội Kitô giáo!

Khi nói về tính hiệp nhất của Giáo hội, Hiển thánh Đức cố Giáo hoàng Gioan Phao Lô II nhấn mạnh rằng chúng ta phải hô hấp, hít thở bằng hai lá phổi, hai lá phổi của Giáo hội Kitô, hai lá phổi ấy chính là Truyền thống Đông Phương và truyền thống Tây Phương.

Thật là một niềm hạnh phúc và tự hào khi gia đình Dòng Đức Mẹ Lên Trời, đặc biệt là hai Hội dòng Augustinô và Tận hiến Đức Mẹ Lên Trời được sống và làm việc trong cả hai Truyền thống này của Giáo hội.

Trong chuỗi ba năm chuẩn bị mừng kỷ niệm 150 năm thành lập Dòng (Hội dòng Nữ Tu Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời được thành lập năm 1865 cho sứ vụ hiệp nhất Kitô giáo), 35 sơ Dòng Tận Hiến từ các châu lục đã quy tụ về Rumani, một nước mà Giáo hội chính thống chiếm phần đa với 88% dân số, để hiểu thêm về Giáo hội Đông Phương – Giáo hội chính thống. Qua các buổi hội thảo và tham gia nghi thức phụng vụ chính thống cũng như tham quan một số kho tàng văn hóa, nghệ thuật mang đậm chất thần học Đông Phương, chúng tôi đã hiểu thêm phần nào nét giàu có và độc đáo của Truyền thống này.

Khách mời thuyết giảng là cha Michel Kubler, tu sĩ aa người Pháp đang truyền giáo tại Bucarest, thủ đô Rumani và Đức cha Virgil, giám mục giáo phận d’Oradea, một giáo phận hy lạp-công giáo (hiệp nhất với Giáo hội Roma, nhưng các nghi thức phụng tự được cử hành theo giáo hội Đông Phương – chính thống giáo).

Nếu cha Michel nhấn mạnh đến sứ vụ truyền giáo cho sự hiệp nhất Giáo hội của anh chị em Dòng Đức Mẹ Lên Trời, thì Đức Giám mục Virgil lại cho các chị em thưởng thức tính đa dạng và nét đẹp của Giáo hội Đông phương cũng như các nghi thức phụng tự của Truyền thống này.

Theo thời gian, Giáo hội đã thay đổi cách nhìn và phục vụ cho công tác hiệp nhất, từ ước muốn và thúc đẩy các con chiên lạc (chính thống giáo) trở về với Giáo hội chân chính (Giáo hội công giáo !) đến tinh thần cởi mở, đối thoại hợp tác và tôn trọng nhau trong sự khác biệt. Dòng Đức Mẹ Lên Trời, Hội dòng sống theo Tin mừng và truyền thống giáo hội Roma cũng tiến theo nhịp bước của Giáo hội. Ngày nay các tu sĩ nam nữ Dòng Đức Mẹ Lên Trời khắp thế giới và đặc biệt các tu sĩ phục vụ trong các nước mà phần đa là Chính thống giáo hay Hồi giáo như : Rumani, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ítraen không ngừng làm việc với tinh thần cởi mở, thích hợp cho tiến trình hiệp nhất trong Giáo hội. Như xưa, vào thời kỳ chiến tranh, các tu sĩ đã chăm lo cho các thương binh không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, màu da thì ngày nay các tu sĩ vẫn dang rộng cánh tay đón tiếp các em đến từ nhiều tôn giáo khác nhau trong các trường học, các lưu xá sinh viên hay các mái ấm,… của  Hội dòng.

Sau những khái niệm, lý thuyết về truyền thống Đông Phương, chúng tôi được nếm mùi vị đặc biệt của Giáo hội này qua việc tham quan một số đan viện chính thống giáo. Các đan viện này có một nét đẹp lạ lùng nhờ vào kiến trúc đặc biệt cùng với cái nhìn  thần học rất đặc biệt. Đúng vậy, phía trong cũng như phía ngoài, các nhà thờ được trang trí  bằng những bức tranh diễn tả các cảnh chính yếu về lịch sử cứu độ từ Cựu Ước đến Tân Ước. Đan xen vào đó là các bức tranh diễn tả lịch sử, đời sống của đất nước và người dân nơi đây.

Theo truyền thống Đông Phương, người ta nói về « thần học tranh ảnh». Thiên Chúa đã nhập thể làm người như chúng ta, nên chúng ta có thể diễn tả về Ngài qua các ảnh tượng. Theo truyền thống này, ảnh tượng chính là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa chúng ta. Bức tranh không phải được vẽ nên nhưng là được viết nên cùng với nhiều giờ cầu nguyện và suy gẫm của tác giả trước, trong và sau khi viết bức tranh.

Đúng thiệt có nhiều điều mà chúng ta, những người thuộc truyền thống La-tinh không thể hiểu được, cũng có những điều mà chúng ta không hề suy nghĩ tới. Giáo hội Đông Phương làm cho chúng ta phải ngạc nhiên nhiều điều.

Tôi tin chắc rằng Giáo hội Đông Phương nắm giữ nhiều nét đẹp, nhiều kho tàng của đức tin Kitô giáo mà Giáo hội Latinh không có và ngược lại. Vì thế điều tốt nhất và mong muốn nhất là chúng ta hãy cầm lấy tay nhau và bước theo Đức Kitô như những người con cùng một cha, cùng một tấm lòng, cùng một niềm tin. Hãy mở rộng cánh cửa và sẻ chia cho nhau những kho tàng cao cả thể hiện niềm tin vào Đức Kitô để cho mọi người nhận biết chúng ta là anh em của nhau và là môn đệ của Đức Kitô. Chúng ta hãy đóng góp phần mình vào nguyện ước của Chúa Kitô :  « để tất cả nên một, như Cha ở trong con và như con ở trong Cha để họ cùng ở trong chúng ta. Như vậy thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con » (Ga 17, 21).

Mong sao những người con của Giáo hội biết hợp tác với nhau để có ngày chúng ta có thể trở thành những người anh em thực sự, và để có ngày chúng ta được thở một cách trọn vẹn với hai lá phổi của Giáo hội Kitô giáo!

                                                                                                                                                                                                                Sr Thùy Dung, OA

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ