-->
Đức Kitô Vua Vũ Trụ
24/11/2017
Chúa Nhật I Mùa Vọng: “Lạy Chúa, xin nghiêng trời ngự xuống!”
01/12/2017
Show all

Quốc tế hóa – đa văn hóa

Về mặt lý thuyết, có lẽ đề tài Quốc tế hóa, đa văn hóa đã trở nên khá thân thuộc đối với anh chị em Dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời (A.A), Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời (O.A) cũng như Tiểu Muội Đức Mẹ Lên Trời (P.S.A), nhưng để giúp mỗi người hiểu sâu hơn cũng như ý thức hơn và nhất là đưa vào áp dụng thực tiễn, lại là mối lưu tâm hàng đầu của mỗi Hội dòng. Sở dĩ vậy mà nhân chuyến kinh lý Việt Nam của cha Benoît Grière, Bề Trên Tổng Quyền Dòng Augustinô Đức Mẹ Lên Trời, cha đã dành thời gian gặp gỡ anh chị em ba Hội dòng để chia sẻ nhiều điều trong đó nội dung bao gồm chủ đề trên. Cuộc gặp gỡ đã diễn ra tại Học viện A.A, từ chiều ngày 3/11 đến hết ngày 4/ 11 vừa qua.

Cùng chung một nhịp đập với toàn thể ba Hội dòng trên khắp thế giới, anh chị em Việt Nam cũng chuyển mình bước sang một trang sử mới từ sau Tổng Tu Nghị. Cha Benoît đã dành buổi đầu tiên để chia sẻ với anh chị em một số điều liên quan đến Tổng Tu Nghị của Hội dòng A.A, đã diễn ra từ ngày 28/4 đến ngày 16/5/2017 tại Valpré, Pháp. Cha cũng phấn khởi chia sẻ rằng cha đã vinh dự được cử hành và đồng hành thiêng liêng với chị em O.A trong suốt Tổng Tu Nghị vừa qua, đã diễn ra từ ngày 8/7 đến 30/7 ở Florence, Ý. Trước đó không lâu vào đầu tháng 7, Dòng chị em Tiểu Muội Đức Mẹ Lên Trời cũng đã cử hành Tổng Tu Nghị của mình. Cha đã nhắc lại một số điều liên quan đến các Báo cáo của Hội dòng, đặc sủng, quốc tế hóa và đa văn hóa. Đặc biệt, Tổng Tu Nghị đã có những quyết định mới, sẽ đưa vào áp dụng thực tế trong vòng 6 năm tới dành cho hai Hội Dòng A.A và O.A và 5 năm tới dành cho chị em P.S.A,  kèm theo đó là lời mời gọi các thành viên của mỗi Hội dòng nỗ lực sống và phục vụ một cách hiệu quả và sát thực sứ vụ của mình theo tinh thần của các Đấng Sáng lập- cha Emmanuel d’Alzon và cha Etienne Pernet. Tiếp đó, một trong những phần cốt lõi mà cha muốn nhấn mạnh, đó là đặc sủng. Cha đã giải thích cặn kẽ từ ngôn từ đến ý nghĩa và việc sống Đặc sủng ấy. Điểm then chốt là Đặc sủng và sứ vụ sẽ khó mà thực hiện trọn vẹn nếu không gắn liền tính quốc tế hóa và đa văn hóa. Cho nên, trong những giờ chia sẻ, ngoài những thông tin và kiến thức cơ bản, cha đặt ra nhiều câu hỏi mời gọi mỗi người suy nghĩ và làm việc theo nhóm. Trong phần Đặc sủng này, cha nhấn vào tầm quan trọng của tinh thần hiệp nhất, bởi đây là nòng cốt và sứ vụ của mỗi Hội dòng. Có nhiều điểm chia sẻ tuy không mới nhưng khá hấp dẫn và thiết thực. Đề cập đến vấn đề Đức Tin và đời sống cộng đoàn, cha đã nhấn đi nhấn lại hiệp nhất không phải là loại bỏ những điểm khác biệt, ngược lại, cần nhận ra và đánh giá cao những sự khác biệt ấy theo khuôn mẫu là Thiên Chúa Ba Ngôi.

Cuối cùng, anh chị em được dịp nghe, thảo luận và chia sẻ về chính nền văn hóa của mình cũng như văn hóa Pháp. Đây cũng là dịp để mỗi thành viên khám phá thêm và ý thức hơn về sự phong phú và giàu có của kho tàng văn hóa phi vật thể của hai nước, cũng như mạnh dạn nhìn nhận những điều mang tính tiêu cực tồn tại trong mỗi nền văn hóa và tập tục. Cha nhấn mạnh : người Á châu nói chung và người Việt Nam chúng ta nói riêng, tiếp tục sứ vụ của các vị tiền bối, mang đức tin đến cho mọi người và cần nhạy bén, thức tỉnh hơn nữa, đừng để đức tin loại trừ nền văn hóa và tập tục riêng cũng như cần giữ gìn bộ mặt của nền văn hóa. Hội nhập văn hóa cũng như Chúa Giêsu nhập thể vậy. Mỗi người tự đào tạo để có khả năng tháp nhập vào các nền văn hóa mới cũng như giữ gìn và phát huy những tinh hoa của chính nền văn hóa của mình. Cha cũng dõng dạc nói: mỗi nền văn hóa phải được biến đổi bằng chính sức mạnh của Tin Mừng. Thiết nghĩ Tin Mừng của Chúa Giêsu chính là nền văn hóa tối ưu cho mỗi người chúng ta. Cha còn nói thêm : việc tìm kiếm và đào sâu Đức Tin giúp chúng ta yêu mến những sự khác biệt của nhau để luôn sống hiệp thông, làm việc cho đại kết và nhất là làm sao có được niềm vui thực sự trong Thiên Chúa được đắp lên từ niềm vui với chính anh chị em mình.

Cuộc gặp gỡ kết thúc tốt đẹp trong niềm vui và những lời nhắn nhủ của cha Tổng quyền : chúng ta thuộc về Hội dòng, chúng ta đã không chọn quốc tịch cũng như văn hóa cho mình nhưng mỗi người đã và đang chọn trở thành tu sĩ Đức Mẹ Lên Trời, chính là chọn theo Đức Giêsu Kitô. Rốt cuộc, mỗi người cần ơn Chúa nhiều hơn, nuôi dưỡng đời sống cầu nguyện và nội tâm hơn để luôn sẵn sàng và sống sứ vụ cách triệt để nhằm làm triển nở Nước Thiên Chúa trong lòng Giáo hội và xã hội hôm nay.

Sr Phương Thúy, OA

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ