-->
Hội Dòng Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời
04/03/2019
Sứ điệp Mùa Chay 2019 của ĐTC Phanxicô
05/03/2019
Show all

Hội thảo về “Tương giao văn hóa”

Từ ngày 21 tháng 1 đến ngày 1 tháng 2 vừa qua, tại Rôma đã diễn ra cuộc hội thảo với chủ đề « Tương giao văn hóa » do Liên Hiệp Bề Trên Tổng Quyền Quốc Tế tổ chức. Với 180 tham dự viên, đại diện 45 Hội Dòng đến từ 63 quốc gia khắp năm châu, chúng tôi đã làm nên một tập thể đầy màu sắc với các nền văn hóa, các đặc sủng khác nhau. Tôi có cảm giác như Giáo Hội hoàn vũ đang hiện diện ở đây vậy. Chị em Tận Hiến Đức Mẹ Lên Trời có 4 thành viên tham dự hội thảo đến từ Châu Á, Châu Âu, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, trong đó có Sơ Felicia, Bề trên Tổng quyền.

Trong vòng hai tuần, chúng tôi đã làm việc theo cách liên dòng, đa quốc tịch, đa văn hóa, tương giao văn hóa. Kinh nghiệm làm việc nhóm thật thú vị và bổ ích, bởi vì các nhóm được tổ chức, được phân chia rất quân bình và đa dạng với các thành viên đến từ các nền văn hóa khác nhau, các đặc sủng khác nhau.

Ngoài ra, các thuyết trình viên đã giúp chúng tôi hiểu về tương giao văn hóa hay hòa nhập văn hóa dưới nhiều lăng kính khác nhau.

Khi nói về văn hóa, chúng ta có thể nói đến : văn hóa quốc gia, văn hóa vùng miền, văn hóa làng xã, … Và chính thông qua nền văn hóa mà một nhóm người có thể nhìn nhận về thế giới. Cũng chính vì thế mà không ai biết hết về thế giới, nhưng chỉ biết một phần nào đó của thế giới mà thôi thông qua lăng kính của văn hóa mình. Mỗi người chúng ta đến từ một nền văn hóa khác nhau. Mỗi người chúng ta có lịch sử khác nhau. Và mỗi nền văn hóa đều có giá trị, có nét đẹp của riêng nó. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng không có nền văn hóa nào hoàn hảo cả. Cũng giống như mỗi chúng ta, mỗi nền văn hóa đều bị giới hạn bởi không gian và thời gian. Vì thế, mỗi nền văn hóa cũng cần được biến đổi, được « hoán cải ». Và đó chính là điểm nhấn để hiểu về tương giao văn hóa cũng như nhìn nhận tầm quan trọng của nó. Như thế, rất cần thiết để chúng ta học biết và đào sâu nền văn hóa của mình với những hạn chế và nét đẹp của nó. Cũng vậy, biết mình, biết những ưu khuyết điểm của mình cũng là điều rất quan trọng để sống tốt việc hòa nhập văn hóa.

Thật vậy, tương giao văn hóa vượt xa việc sống cùng nhau, vượt ra khỏi việc đơn thuần cùng tồn tại. Một nhóm người có thể là đa quốc tịch, đa văn hóa nhưng không có tương giao văn hóa. Tương giao văn hóa là một thuật ngữ mang tính thần học, có tương quan mật thiết với đức tin. Một nhóm người sống cùng nhau chỉ có thể mang tính tương giao văn hóa khi nhóm người đó dấn thân cùng nhau sống đức tin và làm chứng cho đức tin. Chúng ta cần đi ra khỏi thế giới của mình, cần thoát khỏi chủ nghĩa dân tộc để đến gặp gỡ người khác, cần « xỏ giày » nền văn hóa khác. Vì thế, để sống tốt tương giao văn hóa, thiết nghĩ chúng ta cần có một đời sống tâm linh vững chắc đặt nền tảng trên mối tương quan của Thiên Chúa Ba Ngôi và theo gương Chúa Giêsu. Chính Ngài cũng đã sống tiến trình từ chủ nghĩa dân tộc đến một đời sống hòa nhập văn hóa (x. Mt15, 21-28 ; Ga4, 5-26). Và chính tinh thần sống hòa nhập văn hóa giúp chúng ta trở thành những môn đệ đích thực của Chúa Kitô. Con đường này đòi hỏi chúng ta sống ơn trở lại và ơn biến đổi mỗi ngày.

Tương giao văn hóa cũng được xem như một hành trình thiêng liêng. Tâm điểm của niềm tin Kitô giáo là mầu nhiệm Nhập Thể. Qua mầu nhiệm này, Thiên Chúa đã chấp nhận làm người phàm, có nghĩa là được biến đổi. Thiên Chúa đã đi vào trong văn hóa của nhân loại để minh chứng tình yêu của Ngài cho nhân loại. Điều đó làm cho mỗi khía cạnh của đời sống con người trở nên không gian huyền nhiệm cho con người gặp gỡ Thiên Chúa. Và bởi vì kinh nghiệm con người là một đặc ân cho viêc gặp gỡ Thiên Chúa, nên chúng ta cần sống một cách nghiêm túc đời sống của mình. Mặt khác, các cuộc gặp gỡ liên vị giữa người với người cũng là nơi mang tính thần học và đầy nét văn hóa. Vì thế, mỗi chúng ta được mời gọi trở nên món quà cho người khác. Chúng ta có thể đọc lại đời sống cộng đoàn, đời sống trong Hội Dòng chúng ta. Đó có phải là một nơi mang tính thần học, một con đường thiêng liêng, hay cuộc sống của chúng ta rẽ qua một hướng khác ? Chúng ta có thể vui mừng hay thất vọng về cách sống của mình. Tuy nhiên, chúng ta không nên dừng lại ở đó. Bởi vì tương giao văn hóa là một tiến trình sám hối suốt cả cuộc đời.

Là con người, ai cũng có giá trị, có nhiều ưu điểm, nhưng đồng thời cũng có nhiều giới hạn. Tuy nhiên, niềm xác tín của chúng tôi là cùng nhau, chúng ta có thể làm được điều gì đó. Cùng nhau chúng ta có thể tạo ra cái mới, khởi đi từ những gì mà mỗi người là và mỗi người có. Chúng ta có thể xây dựng ngôi nhà chung, khởi đi từ tinh thần cởi mở, tôn trọng, bổ túc cho nhau, nhận ra giá trị của nhau ; và đặt nền tảng trên Đức Kitô là phiến đá vững chắc và là mẫu gương sống tương giao văn hóa.

 

Sr Thùy Dung, OA

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Liên hệ